"Sinh ra để... khám phá thiên nhiên"
Sinh ra và lớn lên ở TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng anh Đỗ Mạnh Linh lại thích hòa mình giữa thiên nhiên núi rừng,ưỡngmộchàbig daddy đam mê chinh phục những ngọn núi cao. Có thời điểm, tháng nào anh cũng "xách ba lô lên và đi". 9 năm qua, anh Linh chinh phục được 30 đỉnh núi cao ở vùng Tây Bắc.
Năm 2014, trong chuyến phượt ở H.Mộc Châu, Sơn La, anh Linh tình cờ nghe người dân địa phương giới thiệu đỉnh núi Pha Luông với độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, phong cảnh rất đẹp. "Máu" khám phá nổi lên, anh quyết định thuê người dân địa phương dẫn đường, chinh phục đỉnh núi đầu tiên trong đời. Có thể lực tốt nhờ thường xuyên chơi thể thao nên anh chỉ mất hơn 10 tiếng để lên đến đỉnh núi. "Mệt mỏi tan biến khi tôi đặt chân lên đỉnh núi. Trước khung cảnh hùng vĩ của núi rừng và những tầng mây lơ lửng đan xen, tôi có cảm giác như mình đang ở một thế giới khác", anh Linh nhớ lại.
Sau lần đó, anh lên kế hoạch leo núi thường xuyên hơn. Năm đầu tiên, hầu như tháng nào anh cũng đi leo núi. 5 năm trước, anh Linh chinh phục đỉnh Fansipan với độ cao hơn 3.147 m. Tuy được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương", nhưng theo anh Linh đây chưa phải là đỉnh núi khó leo nhất, vì hiện nay đường lên núi đã được cải tạo để mọi người có thể di chuyển dễ dàng. Năm ngoái, anh Linh chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao (Lào Cai) cao 2.881 m, được coi là ngọn núi khó chinh phục nhất vùng Tây Bắc vì quãng đường dài, nhiều vách đá dựng đứng, suối lớn chảy xiết.
Nguy hiểm và thử thách về ý chí
Để chinh phục những ngọn núi cao, đầy nguy hiểm, anh Linh cho biết ngoài đam mê thì quan trọng nhất là chuẩn bị thể lực tốt. Dân leo núi như anh Linh sợ nhất là những trận mưa rừng vì làm địa hình nhiều bùn lầy, dễ ngã, trong khi bên dưới là những con suối dữ, mỏm đá phủ rêu trơn trượt. Vì thế, khi đi qua những địa hình khó, anh Linh luôn bước thật chắc chắn, chọn loại giày có độ bám cao và dùng thêm gậy chống.
Năm ngoái, trong lần chinh phục đỉnh Chu Va 12 (Lai Châu) cao 2.751 m, anh Linh bị một phen suýt chết vì bị trượt chân, rơi từ vách đá xuống. May nhờ có thể lực tốt, anh bám víu được vào những đám cây rừng dày đặc để trèo lên.
Anh chia sẻ, thời gian đầu, khi leo những ngọn núi hoang sơ, địa hình khó đôi khi phải đu dây leo trong rừng để vượt qua những đoạn nguy hiểm… Sau này, người leo núi đông dần, người dân địa phương biết cách khai thác làm dịch vụ dẫn đường nên họ buộc sẵn dây, thậm chí tìm một lối đi khác tốt hơn để người sau có thể dễ dàng vượt qua.
Khi leo những đỉnh núi mới, anh Linh luôn thuê người bản địa dẫn đường và hỗ trợ mang theo thức ăn, hành lý. Với những ngọn núi cao leo 2 - 3 ngày, mọi người cắm trại qua đêm hoặc ngủ trong lán người địa phương dựng sẵn. Tổng chi phí cho việc di chuyển, ăn uống, thuê người… tầm 2 triệu đồng.
Mấy năm nay, sau khi lập gia đình và có con nhỏ, đồng lương nhân viên trong ngành vận tải phải gói ghém nên anh thường chỉ đi vào những dịp nghỉ lễ dài ngày. Mới tuần trước, vì quá ghiền nên anh cùng nhóm bạn đã lên đường, chinh phục đỉnh Xin Chải (Lai Châu).
Chị Lường Thị Việt Hưng (TX.Sa Pa, Lào Cai), một người bạn từng leo núi chung 4 lần với anh Linh, chia sẻ: "Chinh phục 30 đỉnh núi cao của VN quả thật là một con số "đỉnh cao", không phải ai cũng làm được. Phải là người có đam mê cũng như một ý chí kiên trì, bền bỉ mới có thể làm được điều này".
Anh Linh chia sẻ điều thay đổi duy nhất anh thấy là hồi trước không có rác trên đường đi, còn nay thì có nhiều hơn. Theo anh, ngành du lịch leo núi ở VN đang trên đà phát triển, song song dẫn đến sự ảnh hưởng của con người đến thiên nhiên. "Hy vọng mọi người có ý thức hơn trong quá trình leo núi để con cháu về sau cũng được đắm chìm trong những khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên", anh nói.